HUYỆN ĐOÀN TÂN CHÂU
BCH TRƯỜNG THPT TÂN CHÂU
***
|
ĐOÀN
TNCS HỒ CHÍ MINH

|
MÙA XUÂN SUY NGHĨ VỀ LỜI DẠY
CỦA BÁC
Trong Thư gửi thanh niên và nhi
đồng toàn quốc nhân dịpTết Nguyên đán năm 1946, Bác Hồ viết: "Một năm khởi
đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã
hội".
Thời gian càng lùi xa, suy ngẫm câu
nói đó của Bác Hồ chúng ta mới thấy hết giá trị, tầm nhìn chiến lược, tình cảm
và lời dạy của Bác dành cho tuổi trẻ. Có thể cảm nhận về tầm cao tư tưởng, tầm
tổng quát thiên tài và nghệ thuật phép viết so sánh: “Mùa Xuân với Tuổi trẻ”
của Bác Hồ để thấy Bác luôn chăm lo cho đất nước, chăm lo cho thế hệ trẻ. Sinh thời, Bác Hồ
đã nói: “Mùa Xuân là Tết trồng cây – Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Bác
phát động Tết trồng cây vào mùa Xuân là mùa đẹp nhất của một năm, mùa có khí
hậu thuận lợi cho cây cối tốt tươi, đâm chồi nẩy lộc, mùa của sự giao hoà giữa “trời và
đất”. Bác Hồ cũng chọn mùa Xuân để phát động phong trào thi đua yêu nước để
thực hiện kế hoạch nhiệm vụ cho một năm.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám
thành công, trong ngày khai trường đầu tiên, Bác đã gửi gắm niềm tin yêu của
mình vào thế hệ trẻ: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân
tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu
được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Ngày
17-8-1947, trong "Thư gửi các bạn thanh niên", Bác viết: "Thanh
niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu
hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai
cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình,
phải làm việc để chuẩn bị tương lai đó". Đến thăm đơn vị thanh niên xung
phong làm đường trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã khuyên thanh
niên: "Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển
- Quyết chí ắt làm nên".
Để giáo dục thanh niên, Bác đã lấy
những tấm gương tiêu biểu hy sinh vì nước, vì dân để thanh niên học tập. Bác
viết: "Đồng chí Lý Tự Trọng đã nêu gương chân chính cách mạng cho chúng ta
noi theo. Ngày nay, được Đảng giáo dục, có Đoàn dìu dắt, thanh niên chúng ta
phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong
chiến đấu phải thực hiện "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên
làm". Như thế, chúng ta mới xứng đáng là thế hệ thanh niên xã hội chủ
nghĩa và cộng sản chủ nghĩa".
Thanh niên là người chủ tương lai
của đất nước, muốn xứng đáng vai trò làm chủ thì phải học tập. Vì vậy, Bác rất
quan tâm đến việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ của thanh
niên. Bác chỉ rõ: "Nhiệm vụ chính của thanh niên, học sinh là học. Học để
phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh tức là để làm
trọn nhiệm vụ người làm chủ nước nhà". Và "Thanh niên sẽ làm chủ nước
nhà, phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên". Bác luôn chăm
lo bồi dưỡng đội ngũ thanh niên trí thức. Bác căn dặn: "Đối với thanh niên
trí thức cần phải đặt câu hỏi: "Học để làm gì? Học để phụng sự ai?".
Bác là Người sáng lập, rèn luyện
Đảng ta và Bác cũng là người sáng lập, rèn luyện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Bác
không những quan tâm chăm lo cho thế hệ trẻ mà Bác còn là tấm gương tiêu biểu
cho thế hệ trẻ noi gương học tập. Khi bắt đầu truyền bá tư tưởng cách mạng cho
dân tộc, Bác đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên - lực lượng trẻ đầy lòng
yêu nước và sẵn sàng hy sinh cho cách mạng. Tháng 6-1925, tại Quảng Châu (Trung
Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã thành lập "Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí
Hội", xuất bản tờ báo Thanh Niên. Năm 1926-1927, Bác trực tiếp mở nhiều
lớp huấn luyện, đào tạo hơn 200 thanh niên Việt Nam yêu nước, rồi đưa trở về
nước xây dựng phát triển phong trào cách mạng. Bác đã lựa chọn giới thiệu nhiều
thanh niên ưu tú đến học tại Trường Đại học Phương Đông, trong số đó nhiều
người sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta.
Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác
đã để lại lời căn dặn trong bản di chúc: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung
là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ,
Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những
người thừa kế xây dựng Chủ nghĩa xã hội vừa “Hồng” vừa “Chuyên”. Bồi dưỡng cách
mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết…”.
Càng suy ngẫm, chúng ta mới thấy
lịch sử như một dòng chảy của thời gian, vẫn miệt mài không một phút giây ngừng
nghỉ, song không phải là cái trước tiếp cái sau theo trình tự “tuyến tính” mà
luôn nảy sinh những nhân tố mới, những con người mới. Cũng như một năm qua đi,
vạn vật biến đổi không ngừng, cái cũ mất đi cái mới nối tiếp, như đời người ai
cũng trải qua và bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ luôn tràn đầy sinh lực, trí tuệ,
sức sống và khát vọng mơ ước với những hoài bão lớn. Đó là tuổi đẹp nhất của
đời người. Chính vì thế, tuổi trẻ luôn muốn vượt qua mọi trở ngại để đi tới
những chân trời mới, khát vọng mới và chinh phục những thành tựu khoa học của
nhân loại.